Cây trứng cá, hay còn
gọi là cây Mật Sâm có nguồn gốc tại vùng Nam Mexico, Trung Mỹ và vùng nhiệt đới
Nam Mỹ. Ở Việt Nam, trứng cá đã được đưa vào rất lâu đời, sớm lan
tỏa khắp các miền đất nước hàng trăm năm về trước, là một cây dễ trồng và được trồng nhiều ở
vùng nông thôn để làm bóng mát quanh nhà. Quả trứng cá nhỏ chỉ bằng mắt cá tay,
hình cầu, đường kính 1-1.25 cm, khi chín màu đỏ có khi vàng; da mỏng và mịn,
thịt mọng nhiều nước, vị ngọt, tính mát. Ở một vài nơi như Philippin và Mexico,
quả trứng cá được ăn và bày bán tại các chợ ở như một món hàng có giá trị
thương mại. Còn ở Việt Nam, dường như loại cây này chưa được chú ý lắm, thậm
chí xem nó như một thứ cây dại, có thể gây độc hại. Rất ít người biết rằng, quả,
là, thân, rễ cây trứng cá đều có chứa nhiều các thành phần chất dinh dưỡng có
lợi cho sức khỏe và hỗ trợ trong việc điều trị bệnh, đặc biệt là bệnh huyết áp
và ung thư.
Quả trứng cá
Thành phần dinh dưỡng (phân chất theo mẫu
quả tại El Salvador)
100 gram quả, phần
ăn được, chứa:
- Calories 78
- Chất đạm 0.324 g
- Chất béo 1.56 g
- Chất sơ 4.6 g
- Calcium 124.6 mg
- Phosphorus 84.0
mg
- Sắt 1.18 mg
- Carotene 0.019 mg
- Thiamine 0.065 mg
- Riboflavine 0.037
mg
-
Niacin 0.554 mg
- Ascorbic acid
80.5 mg
Ngoài
việc trồng che bóng, nhiều gia đình còn xem quả trứng cá là một nguồn thực phẩm
tốt. Trẻ em ở các vùng
nông thôn thường rất thích loại quả này, chúng hái và ăn ngon lành, nghe thơm
và ngọt lịm như một thứ quà ngon của thiên nhiên. Ở nhiều nơi, loại quả này còn
có thể được đem nấu chín để làm mứt, ăn rất ngon. Ngày
trước, khi nguồn trái cây chưa đa dạng và phong phú như ngày nay, trẻ em, thậm
chí cả người lớn rất thích ăn trứng cá. Có thể ăn tươi hoặc nấu chè, làm mứt,
ép lấy nước hay làm rượu. Ở Mexico, quả Trứng cá không những được người trồng
ăn mà còn được bày bán ở chợ. Họ thường dùng quả để làm một thứ mứt dẻo và lấy
lá làm trà. Ở Brazil , cây thường được trồng dọc các bờ sông, quả rơi rụng hấp
dẫn cá giúp ngư dân đánh bắt dễ hơn.
Lá cây trứng cá
chứa nhiều hợp chất như dihydrochalcones, flavonoids gồm các flavane, flavanone
và muntingone (môt chất chuyển hóa loại flavonol) dùng
nấu nước uống như nước trà rất tốt cho sức khỏe. Nghiên cứu tại Khoa Dược ĐH Mara,
Selangor (Malaysia) ghi nhận nước chiết (nồng độ 50%) từ lá cây trứng cá và
chloroform có tác dụng ngăn chặn các cơn đau. Hoạt tính giảm đau được cho là
tác động vào hệ thần kinh trung ương, điều hòa các thụ thể loại muscarinic,
alpha(1)-adrenergic, alpha(2)-adrenergic, beta-adrenergic và GABAergic. Một nghiên
cứu khác tại Viện Kỹ thuật Tajen, Pingtung (Taiwan) ghi nhận các hợp chất
chalcones ly trích từ lá cây trứng cá có hoạt tính diệt bào chống lại các tế bào ung thư loại P-388 và HT-29 ở nồng độ IC50 < 4 microg/mL. Các dichalcones còn
có hoạt tính chống ngưng tụ tiểu cầu khá rõ rệt.
Ngoài ra lá cây
trứng cá còn có các hoạt chất có tác dụng hạ huyết áp. Nghiên cứu tại Viện Kỹ
thuật Dược Khoa Pintung (Taiwan) ghi nhận dịch chiết bằng ethamol (cồn) từ rễ cây trứng cá có tác
dụng diệt bào, chống lại các tế nào ung thư. Dịch chiết từ lá cây trứng cá có
tác dụng hạ huyết áp kéo dài tới 180 phút. Hoạt
tính trên huyết áp này không liên hệ đến nhịp tim và các nồng độ về khí và chất
điện giải trong máu. Nước chiết nồng độ 50% từ lá cây trứng cá có tác
dụng làm dịu các cơn đau là do tác động vào hệ thần kinh trung ương.
Tại Kampuchea, nước sắc của lá cây này còn có thể được dùng chữa bệnh về gan.
Rễ cây trứng cá chứa
nhiều flavonoids loại 7,8-di-O-(thay thế)-flavanes, biflavanes và flavones có tác
dụng chống ung thư. Nghiên cứu tại phân khoa Dược, Đại Học Illinois, Chicago
ghi nhận dịch chiết bằng ethanol từ rễ của cây trứng cá có tác dụng diệt bào
chống lại các tế bào ung thư
P-388, hoạt tính này được cho là do ở
các flavanes trong rễ.
Hoa trứng cá được
xem là một vị thuốc dân gian khá hiệu nghiệm, có khả năng sát trùng. Nước sắc
hoa dùng làm thuốc chống co giật, trị nhức đầu . Trong y học truyền thống của một số tộc người Trung Mỹ, hoa
của nó cũng có thể dùng làm chất khử trùng và điều trị chứng chuột rút ở vùng
bụng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét